23/01/2017
Tại buổi trò chuyện trước hàng ngàn sinh viên của một trường ĐH, diễn giả Phan Quốc Việt nói không ngừng nghỉ. Dáng người nhỏ bé lúc đứng trên sân khấu, khi chạy xuống hàng ghế khán giả khiến cho hội trường có lúc im phăng phắc, có khi lại dậy lên tiếng trầm trồ… Bất ngờ hơn, diễn giả giúp cho hàng chục bạn trẻ có thể đứng lên thanh gỗ đặt trên quả cầu mà không bị ngã hoặc đi lên thủy tinh mà không hề bị trầy xước; thổi vào họ niềm tin: ai cũng có thể làm được, nếu như vượt qua được nỗi sợ và khơi dậy tiềm năng của chính mình.
Để nói được nhiều mà lại cuốn hút, diễn giả Trần Đình Dũng - người đã có 14 năm trong nghề, cho biết: “Diễn giả phải có kinh nghiệm sống và làm việc, có nền tảng kiến thức chuyên môn vững chắc, kiến thức xã hội. Hơn nữa, thông thạo ngôn ngữ, thường xuyên cập nhật những ngôn từ mới. Phải làm chủ được đám đông, và quan trọng là nói chuyện phải có “thần” để làm sao đánh động được mọi giác quan của người nghe”.
Diễn giả Quách Tuấn Khanh cũng chia sẻ: “Ngoài khả năng nói và diễn xuất tốt, để có thể truyền đạt một cách thuyết phục, diễn giả phải là người trải nghiệm hoặc nghiên cứu sâu, nên họ luôn là người đọc, đi, gặp gỡ, quan sát và đúc kết nhiều”.
Cũng theo diễn giả Trần Đình Dũng, đây là một nghề mới mẻ ở Việt Nam và chưa có trường lớp đào tạo chính quy. Tuy nhiên, có rất nhiều bạn trẻ đang tham gia các khóa học tại các công ty về phát triển nguồn nhân lực do các diễn giả có tên tuổi đứng lớp.
Về thu nhập, có thể nói nghề diễn giả thuộc hàng tốp. Tùy vào tên tuổi của từng diễn giả, có nơi trả thù lao cả ngàn USD/buổi. Với những bạn trẻ mới vào nghề nhưng nói hay, thù lao có thể từ 7-10 triệu đồng/buổi.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, nhiều bạn trẻ mới chỉ nhìn thấy vẻ hào nhoáng bề ngoài của nghề diễn giả, mà chưa tìm hiểu kỹ về những khó khăn, đòi hỏi của nghề. Bởi nếu làm diễn giả mà nói không cuốn hút, không truyền được cảm xúc cho người nghe, không khiến người nghe hào hứng, vui vẻ, không tác động họ suy nghĩ theo hướng tích cực, thì coi như thất bại. “Khó nhất là 5 giây khi bắt đầu xuất hiện - thời điểm khán giả đang “săm soi” diễn giả. Anh phải nói câu gì, thể hiện như thế nào để tạo ấn tượng cho người ta muốn tiếp tục? Cái khó thứ hai là khi kết thúc. Dù diễn giả nói trên trời, dưới biển, thì cuối câu chuyện bao giờ cũng phải đưa ra được một thông điệp nào đó, làm sao để người nghe hướng tới những suy nghĩ tích cực nhằm thay đổi bản thân mình, có động lực để làm một điều gì đó ý nghĩa” - diễn giả Trần Đình Dũng nhận định.
0 nhận xét