23/01/2017
Thành tích làm “quản trò” trong suốt thời gian đi học của Liên khiến bạn bè cùng trang lứa phải nể nang: Mười hai năm làm lớp trưởng, thi đậu khoa Kinh tế Ngoại thương của Đại học Ngoại thương; rồi đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) tiếng Nhật, phát triển CLB này đạt cấp thành hội, rồi cấp Trung ương hội.
Cô giám đốc 8X khởi nghiệp từ... phá sản
Vốn tự lập, suốt thời gian sinh viên, Liên đi làm thêm ở nhiều công ty có tiếng như Unilever, FPT, Vinamit... và phụ trách mảng “Sôi động mùa thi” cho một tờ báo.
Năm cuối cùng thời sinh viên, Liên làm trợ lý giám đốc trong một công ty phần mềm tư nhân. Nhưng 8 tháng sau, công ty này phá sản.
Tiếc những đơn hàng còn dang dở, Liên và 3 bạn học, có người còn đang là sinh viên, thành lập Công ty MaxB để giải quyết số đơn hàng này.
Số tiền gom góp từ việc đi làm thêm chỉ đủ trang trải thuê một căn phòng nhỏ bên cạnh công trường xây dựng. Nhưng cái nóng hầm hập của căn phòng chỉ có mỗi chiếc quạt máy càng làm tăng nhiệt hoài bão tuổi trẻ của Liên và các cộng sự, trong đó có Chung Chí Công là người từng đoạt giải thưởng “Ý tưởng quảng cáo lần thứ ba” của Ý tưởng Việt Nam.
Mấy tháng không lương, đòi nợ thì các công ty khất “vì khó khăn”. Để giải quyết vấn đề tài chính, Liên và các bạn phải làm “chân trong chân ngoài”, thiết kế logo, viết lách kiếm tiền. Thế rồi, cơ may bắt đầu đến với MaxB khi công ty của một người bạn có nhu cầu xây dựng một website để quảng bá thương hiệu.
Ròng rã suốt 6 tháng Liên bám dự án này, thậm chí, cô đến sinh hoạt chung với tập thể công ty để tìm hiểu môi trường làm việc, hoạt động kinh doanh và đặc trưng của công ty này.
Để cuối cùng, Liên đã thuyết phục giám đốc của công ty này bằng một câu chuyện thương hiệu “Hoa bồ công anh” trên website Vitashare.com - một cách giới thiệu dễ đi vào lòng người và mang thông điệp rõ ràng “chia sẻ và kết nối”, gắn liền với đặc trưng của công ty chuyên tổ chức hoạt động mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Lợi nhuận thu được từ hợp đồng này dù không nhiều nhưng là nguồn động viên tinh thần lớn cho tập thể trẻ MaxB với bài học “tận tâm với khách hàng sẽ luôn có trái ngọt”. Sau đó, Liên còn được may mắn khi công ty này cho đi học ở Malaysia.
Được hiểu biết thêm, cộng với những trải nghiệm kinh doanh thực tế, giúp Liên có sự nhìn nhận lại thực tế và bắt đầu xây dựng chiến lược kinh doanh một cách có bài bản hơn. “Khi hiểu việc kinh doanh hơn, tôi bắt đầu thận trọng hơn, không có liều lĩnh như trước nữa” - Liên chia sẻ.
“Vũ khí M35”
“Lúc đầu, mình cứ cắm đầu làm, nào thiết kế logo, nào website, nào xây dựng câu chuyện thương hiệu cho công ty. Chỉ sau khoảng 10 hợp đồng thì mới định hình được sản phẩm của công ty và cho ra đời sản phẩm M35” - Liên cho biết.
“Vũ khí thương hiệu M35” là dịch vụ giúp doanh nghiệp hình tượng hóa, diễn giải hoài bão của doanh nghiệp, chuyển tải thành những ngôn ngữ truyền thông cho nhân viên và khách hàng bằng câu chuyện thương hiệu dễ hiểu và dễ đi vào lòng người. Lần lượt những khách hàng đồng hành với thành công của MaxB như Glocean, Tinh Hoa Solutions, Medic Optic, Vita-Share...
“Muốn một câu chuyện hay về thương hiệu, phải thực sự hiểu phần kinh doanh cốt lõi nhất của doanh nghiệp và có tâm hồn sâu sắc. Vì thế, mỗi công ty phải làm một sản phẩm khác nhau, MaxB lo cả phần “xác” (logo) và phải hiểu cả phần hồn doanh nghiệp.
Muốn vậy, phải sống như người trong công ty, tìm hiểu cả khách hàng của họ, Liên đúc kết quan điểm kinh doanh của mình.
Tiếng lành đồn xa, nhờ vậy mà sau 2 năm thành lập, MaxB xây dựng thương hiệu cho khoảng 30 công ty lớn nhỏ. Liên tự hào khoe rằng MaxB của Liên có đến 60% nhân viên là từ Đại học Ngoại thương với tôn chỉ “đánh thức và tối đa hóa sức mạnh thương hiệu tiềm ẩn của các doanh nghiệp”.
Khi MaxB đã đi vào guồng máy ổn định, Liên bắt đầu thành lập thêm Công ty Prosales, đào tạo đội ngũ bán hàng có năng lực và có tâm huyết.
Ngoài ra, Liên cũng thường xuyên nhận lời mời làm diễn giả về các đề tài thương hiệu, marketing, lãnh đạo, khởi nghiệp... cho sinh viên. “Tôi thấy đó là cách học rất hiệu quả vì vừa đọc tài liệu nhiều để vững kiến thức, vừa được nói lại trước đám đông một lần và còn được trả lời các câu hỏi đào sâu mở rộng vấn đề” - Liên nói.
Vẫn làm việc hăng say để không lãng phí nhiệt huyết của tuổi trẻ, nhưng cô gái trẻ Thùy Liên vẫn giữ thói quen từ thời sinh viên: đọc sách, đi học và viết lách.
Liên còn quan tâm Phật pháp và tâm lý học, lãnh đạo bản thân và bị cuốn hút bởi những trò chơi mới lạ trong các lớp học tâm lý và những bài học thử thách vượt qua bản thân.
Vì thế, cũng là cơ duyên khi mới đây, Liên còn mở thêm Trung tâm Đào tạo ZenLeader nhằm đào tạo phương pháp tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo bằng phương pháp ứng dụng thiền.
Ba năm đi cùng MaxB, Liên nhìn lại và chia sẻ: “Tôi thấy các bạn trẻ thế hệ sau tôi giỏi hơn tôi hồi bằng tuổi nhiều. Lúc đầu tôi hơi run, nhưng sau đó trở nên tự tin hơn.
Giờ tôi có thể bày ra những trò chơi, dẫn dắt buổi nói chuyện trở nên sinh động, phù hợp với các bạn sinh viên năng động hơn để buổi nói chuyện trở thành một buổi học trải nghiệm hiệu quả”.
Vẫn giữ nhiệt huyết của “cô chủ nhiệm” ngày nào, Thùy Liên vẫn như con thoi giữa các chương trình cho cộng đồng, trao tặng và tìm kiếm học bổng cho các bạn sinh viên Đại học Ngoại Thương. Trước là cảm ơn nơi cô đã học và trưởng thành, sau là trả ơn đời đã giúp cô vững vàng hơn trong cuộc sống.
0 nhận xét